Thể loại game hành động có một nhánh phụ khác là “rình rập” hành động (Stealth-Action), trong đó nhân vật phải hành tung một cách bí ẩn, đến rồi đi không để lại dấu vết, hoặc hạn chế lộ diện hết mức có thể, mà Metal Gear Solid chính là kẻ khởi xướng. Thành công của nó khiến các nhà làm game không thể ngồi yên, và thế là vào năm 2002, Splinter Cell ra đời dưới sự bảo hộ của “ông lớn” Ubisoft, với nhiều cải tiến trong lối chơi nếu so sánh với những phi vụ của lão tướng Solid Snake.
Tất nhiên về cốt truyện, phương Tây và Nhật Bản là 2 phong cách hoàn toàn khác nhau. Nếu như Metal Gear Solid tập trung vào việc khai thác khía cạnh nội tâm nhân vật trong thời chiến thì Splinter Cell lại mang đến mô-tip của những bộ phim hành động-trinh thám kiểu Hollywood.
Câu chuyện bắt đầu khi tháng 4 năm 2004, tổng thống Cộng hòa Georgia bị ám sát tại thủ phủ Tbilisi. Tỉ phú Kombayn Nikoladze do khả năng vẫn động số phiếu bầu cao nên nghiễm nhiên lên nắm quyền. Cảm thấy có gì đó bất thường, cục tình báo Trung Ương thành lập tổ chức Third Echelon, và kêu gọi Sam Fisher - một cựu thành viên của lực lượng Thủy quân Mỹ về điều tra vụ việc.
Cốt truyện chắc chắn không phải là điểm mạnh của Splinter Cell bởi mang khá nhiều tư tưởng những phim hành động phong cách Anh hùng kiểu Mỹ, nhưng những món “đồ chơi” mà Sam có được lại đa dạng hơn hẳn những gì Hideo Kojima “trang bị” cho Solid Snake, cũng như khả năng leo trèo của Sam đã được Ubisoft “gia cố” hấp dẫn hơn. Ngay từ màn huấn luyện đầu tiên, bạn đã được “mục kích” những pha chạy nhanh, bám tường, dùng tường làm bàn đạp nhảy lên cao, hay đu dây giữa các tòa tháp canh khá linh hoạt và hấp dẫn. Thêm vào đó, Sam đã được bổ sung thêm các món vũ khí như súng lục giảm thanh, súng ngắm, lựu đạn gây choáng, v.v. Mức độ linh hoạt trong các pha xử lý của anh chàng cũng đa dạng hơn, khi mà bạn có thể túm cổ đối phương, hoặc rón rén ra phía sau rồi tặng chúng một cú đánh “nổ đom đóm” từ phía sau lưng, hoặc tra khảo rồi “xử tử”...
Tất nhiên, bạo lực không phải là cách giải quyết vấn đề, mà mấu chốt ở đây là việc Sam phải hạn chế đụng độ tới mức tối đa, bởi nếu chẳng may bị địch phát hiện và lâm vào tình thế đối đầu trực diện thì bạn cầm chắc suất vé lên... Thiên đường! Vì thế, có những màn chơi bạn chỉ cần áp dụng châm ngôn “bóng đêm là bạn của Sam Fisher” để hoàn thành, mà không mất một viên đạn hay một giọt máu!
Ra mắt vào năm 2002, do được ứng dụng công nghệ Unreal 2 nên đồ họa của Splinter Cell khá đẹp mắt mà không đòi hỏi cấu hình máy quá cao. Khung cảnh được chăm chút chi tiết cùng hiệu ứng đổ bóng và ánh sáng phản chiếu khá sống động. Đáng mừng là bạn chỉ cần cỗ máy Pentium IV, RAM 256MB và card đồ họa 64MB là đã có thể vi vu mượt mà. Game không thiên về hành động mà chủ yếu là phong cách kiên nhẫn chậm rãi nên có khi bạn cũng chẳng cần đến tốc độ khung hình cao mà vẫn “chiến” tốt! Âm thanh mang một sắc thái khá thú vị trong game, nó đóng vai trò tạo cảm giác hồi hộp cho người chơi thông qua những bản nhạc nền trầm lắng bí ẩn, và bất chợt nổi lên mạnh mẽ khi bạn bị “phát giác”! Nhìn chung, đồ họa và âm thanh đã hoàn thành rất tốt vai trò tạo không khí hồi hộp, căng thẳng cho người chơi.
Sở hữu cốt truyện không đặc sắc, nhưng với lối chơi nhiều cải tiến, cùng nền đồ họa đẹp mắt và âm thanh hấp dẫn, Splinter Cell đã thực hiện thành công “nhiệm vụ” mà Ubisoft “giao phó”: vượt ra khỏi cái bóng của Metal Gear Solid và trở thành một trò chơi hành động-rình rập đáng nhớ trong lịch sử. Nếu đã “cày nát” tất cả những phiên bản gần đây, thì việc trở về với năm 2002 để tìm lại cảm giác hoài cổ cũng thú vị lắm chứ!
STGhoi
07:28 08/03/2019